KHÔNG GIAN "LẠT" CONCEPT

photo: TAP Concept

LÀ GÌ THẾ?

Tưởng lạ mà quen, “LẠT” là một loại chất liệu dân gian tự nhiên từ tre nứa, chủ yếu được sử dụng để quấn hoặc buộc thắt hàng hóa, thực phẩm. Nếu để ý một chút, bạn sẽ thấy “LẠT” vẫn luôn hiện diện trong đời sống của người Việt mình. “LẠT” trắng mềm buộc thắt bên ngoài lớp lá dong làm bánh chưng xanh, những bó rau ở chợ đều được buộc bằng “LẠT”, hoa tươi được chia thành bó bông cũng bằng “LẠT”. Nhờ đặc tính mềm mịn, dẻo dai, thân thiện, LẠT vẫn được ưa chuộng và sử dụng làm nguyên liệu không thể thiếu trong công đoạn hoàn thiện làm bánh truyền thống như bánh chưng, bánh tét, bánh giò,… ở đó từng thức quà thơm được các bà các mẹ khéo léo buộc thắt bằng “LẠT” nhanh thoăn thoắt, rất đã mắt.


CHẤT LIỆU DÂN GIAN

Những cây tre, cây nứa rừng được thu hái về, người thợ tiến hành cạo sạch vỏ tre để lộ ra dần phần lõi trắng ngà. Từ những khúc tre nứa đã chia nhỏ, người thợ bắt đầu chẻ thanh tre nứa thành sợi lạt.

Việc chẻ lạt tưởng dễ mà khó. Bởi chẻ mỏng quá thì lạt mềm, buộc thắt sẽ nhanh đứt, mà nếu chẻ dày quá, lạt lại quá giòn, khó buộc thắt cho mềm tay. Vậy mà bao đôi tay của người thợ lành nghề đã làm lạt hơn nửa đời, như là một nghề gia truyền để duy trì chất liệu dân giã này. Sợi lạt trắng sau khi chẻ, sẽ được phơi qua nắng để đảm bảo thớ lạt giữ được độ mềm dẻo, tránh ẩm mốc và chỉ cần nhúng qua nước là có thể sử dụng được ngay.

 

SINH KẾ

Cứ độ Xuân về, nhiều gia đình có cơ hội kiếm thêm thu nhập bằng việc làm LẠT. Có gia đình lành nghề kêu gọi bà con, hàng xóm cùng qua phụ làm thêm dịp Tết đến cho kịp những bó lạt được chở đi buôn. Rồi hành trình của LẠT đến với chúng ta qua từng gói quà quý, từng bó hoa thơm, từng thếp bánh chưng. Và như thế, nhờ cái “LẠT” mà mùa Tết ai nấy cũng được đủ đầy ấm no. 

Ảnh: TAP Concept

Ảnh: TAP Concept

 

Tại sao sử dụng LẠT cho concept này?

Từ đời sống vật chất tới đời sống tinh thần của người Việt, LẠT đã trở thành hình ảnh ẩn dụ cho phẩm chất mềm mỏng, nền nã, là chất keo gói ý, thắt tình, gắn kết bền chặt giữa người với người. Vì vậy, nhân dịp đầu năm, TAP mong muốn concept LẠT là điểm đầu cho chuỗi hành trình tìm kiếm, ứng dụng và giới thiệu những chất liệu thủ công bền vững. Với TẠP, đó là cách để bày tỏ sự trân trọng với các chất liệu thuần tự nhiên và sức sáng tạo vô hạn kế thừa từ nét truyền thống lâu đời.
Ảnh: TAP Concept

Mở ra lối đi bằng Lạt tạo liên tưởng đến hình ảnh cánh đồng lúa mì trải dài, TAP muốn lấy chất liệu dân gian để gợi nhớ về hình tượng làng quê Việt Nam mùa lúa chín, nơi hạt gạo trải như bông trắng.

 

Ảnh: TAP Concept
Bức tranh "Lạt mềm buộc chặt" của họa sĩ Bùi Ngân

 

Đồng hành cùng TẠP trong concept này là sự góp mặt của họa sĩ trẻ Bùi Ngân với bức tranh vẽ trên giấy dó được trưng bày giữa phòng. Là một họa sĩ minh họa tự do, hiện đang sống, làm việc và học tập tại Sài Gòn, những tác phẩm của Ngân đến từ việc quan sát nhân vật và sự việc thường ngày trong đời sống. Ngân thường dành nhiều sự quan tâm tới phụ nữ, trẻ em và giá trị văn hóa truyền thống. Với khả năng truyền tải khéo léo qua nét vẽ, mỗi tác phẩm của Bùi Ngân mang đậm tinh thần đương đại.

Lấy cảm hứng từ câu thành ngữ xưa "Lạt mềm buộc chặt", bức tranh là những đường nét họa tiết về chất liệu Lạt, mô tả độ mềm uốn, bay bổng, đan cài, gắn kết lẫn nhau bền chặt.

Bức tranh “Lạt mềm buộc chặt” là điểm nhấn quan trọng tạo nên sự hoàn thiện cho concept lần này.

Mời bạn xem thêm hình ảnh Concept tại đây!

----

TAP Concept  một thương hiệu thành viên thuộc doanh nghiệp CABAY JSC có trụ sở chính tại Sài Gòn và hoạt động từ năm 2016. TAP store là nơi hội ngộ của các thương hiệu hiệu "Made in Vietnam" có cùng một phong cách sống tối giản.

Facebook: TAP Concept

Instagram: @tap.concept

 

Nội dung và hình ảnh được thực hiện bởi TAP Concept
Ghi rõ nguồn và liên kết TAP Concept khi trích dẫn bài viết này.

 

Quay lại blog